Hiểu về tiếng khóc để xóa tan mọi hiểu lầm giữa mẹ và con

Hiểu về tiếng khóc để xóa tan mọi hiểu lầm giữa mẹ và con

Khóc là hình thức giao tiếp đầu tiên và duy nhất của trẻ sơ sinh cho đến khi con được 9 tháng tuổi. Với mỗi nhu cầu, bé sẽ có hình thức khóc và biểu hiện khác nhau. Vì vậy học cách “đọc vị tiếng khóc của con chính là cách tốt nhất để những bà mẹ như chúng ta hiểu và bảo vệ bé yêu!

Khóc là cách con “cầu cứu” và giao tiếp với mình hàng ngày.

Trước đây, khi mới sinh bé Bin, tôi luôn cảm thấy mệt mỏi và lo lắng mỗi khi con khóc. Cứ hễ thấy con khóc là đầu óc tôi lùng bùng, rối rắm. Cả ngày chỉ ngồi ôm con, sợ con vắng mẹ lại khóc. Nỗi ám ảnh với tiếng khóc thôi thúc tôi tìm hiểu. Các mẹ có thể tìm thấy nhiều thông tin trên mạng với những từ khóa như “baby cues” hoặc “hiểu tiếng khóc của bé”. Tôi đã đọc rất nhiều kinh nghiệm và xem clip trên youtube để hiểu thật rõ về các “tín hiệu” của con

Khi bé khóc, trước khi chạy đến dỗ dành bé, mẹ hãy ngừng lại khoảng 2-5 phút để quan sát biểu hiện của bé. Đây gọi là nguyên tắc “Nút dừng”, để mẹ có thời gian đưa ra nhận định chính xác, tránh nhầm lẫn với các dấu hiệu khác. Khi bé khóc thì có thể bé đang muốn mẹ hiểu rằng:

Hu.. hu.. Mẹ ơi con đói

Tiếng khóc lặp đi, lặp lại càng lúc càng to nếu mẹ chưa phản ứng thì rất có thể là do con đói. Tiếng khóc khi đói nghe sẽ cảm thấy có chút khẩn thiết và hoang dại. Bé quơ cào khắp nơi, cho tay vào miệng mút thành tiếng chùn chụt. Đầu bé có thể quay qua lại để tìm mẹ, khi bố/mẹ/bà bế lên thì bé rúc ngay vào vú. Bạn có thể kiểm tra lại lịch trình ăn uống xem có đúng là con đói hay không để đưa ra đáp án cuối cùng. Đây là kiểu khóc dễ dàng nhận ra nhất đó.

Òa..Òa.. Bụng con có khí, con muốn ợ hơi!

Vỗ nhẹ đều đều vào phía sau lưng sẽ giúp con ợ hơi ra bên ngoài.

Nếu sau khi ăn hoặc bú xong mà con lại khóc thì đương nhiên không phải là do đói rồi. Nguyên nhân thường thấy là do con muốn ợ hơi vì bị đầy bụng. Nếu quan sát thấy con co đầu gối lên ngực và liên tục ưỡn lưng thì có khả năng là bé bị đầy hơi. Thế thì mẹ chỉ cần vỗ nhẹ vào lưng và giúp trẻ ợ hơi thôi là xong.

Con muốn được quan tâm!

Tiếng con khóc nghe giống như tiếng hét hơn. Tuy nhiên, khi nghe con khóc ré mẹ cũng nên kiểm tra thật kĩ chỗ con nằm nhé. Rất có thể con bị vật gì đâm phải hoặc côn trùng cắn.

Hức … hức …con bị đau bụng!

Nếu con khóc to, đều đều có thế kéo dài nhiều giờ liền có thể là vào cùng vào một thời điểm trong các ngày khác nhau, thường là chiều hoặc tối thì ông bà ta hay gọi là khóc dạ đề. Rất khó để dỗ cho trẻ nín những lúc như vậy. Để an toàn thì mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ. Có những bé khóc dạ đề là bởi vì hệ tiêu hóa non nớt đang hoàn thiện. Đôi khi cũng là do bé bị kích thích từ môi trường xung quanh như âm thanh, ánh sáng. Khóc chỉ là cách để bé giải tỏa những căng thẳng này.

Mẹ ơi con bị kích thích quá, con muốn dừng chơi!

Khi con bị kích thích quá thì thường khóc theo kiểu tương phản nhau. Như là tiếng cười và tiếng khóc xen lẫn vào nhau. Cường độ khóc càng ngày càng cao hơn. Những dấu hiệu đi kèm giúp bạn sẽ nhận thấy như là bé quay đầu khỏi âm thanh hoặc ánh sáng. Lúc này chúng ta nên dừng tương tác với con, để con tự chơi và nghỉ ngơi.

Con mệt rồi, con muốn đi ngủ!

Tiếng khóc nghe như con đang cáu kỉnh, ở âm vực không cao, cứ khóc rồi lại ngừng thì thường là khóc đòi ngủ. Nếu mẹ dỗ dành thì con cũng sẽ nín nhưng rồi cũng sẽ khóc tiếp nếu chưa được ngủ. Con có thể sẽ dụi mắt, lờ đờ, ngáp, mút tay. Nhưng dấu hiệu này đúng với bé dưới 3 tháng, còn nếu lớn hơn thì mẹ nên canh lại giờ ngủ của con cho chính xác.

Không được ngủ đủ giấc sẽ làm con mệt và khóc theo từng cơn

Cũng sẽ có nhiều loại tiếng khóc khác nhau nữa mà các mẹ sẽ khám phá ra khi quan sát bé nhà mình. Mỗi đứa trẻ lại có những thói quen và nhu cầu khác nhau. Chỉ cần mẹ tin rằng, mỗi tiếng khóc của con là một tin nhắn, thì chắc chắn mẹ sẽ giải đáp được thôi. Bởi vì không ai hiểu con bằng mẹ!