Nhu cầu về vi chất Sắt và tác dụng tuyệt vời của nó đối với cơ thể trẻ
Mẹ thấy con có những biểu hiện như da xanh xao, mệt mỏi, biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, giảm trí thông minh và sức đề kháng, khả năng phát triển thể lực, trí não cũng ảnh hưởng theo… là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang thiếu sắt. Mẹ đừng chủ quan với khẩu phần ăn của con. Vi chất Sắt là thành phần không thể thiếu và có tác dụng tuyệt vời đối với cơ thể trẻ đấy mẹ nhé!
- Lợi ích của Sắt:
– Tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể: là thành phần của enzyme hệ miễn dịch.
– Chức năng hô hấp: tạo nên hemoglobin để vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan.
– Tham gia vào quá trình tạo thành myoglobin, sắc tố hô hấp của cơ.
– Sắt tham gia vào cấu tạo của nhiều enzyme. Đặc biệt trong chuỗi hô hấp sắt đóng vai trò vận chuyển điện tích.
– Vai trò quan trọng nhất của sắt là cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin) vận chuyển oxy cho nên thiếu sắt dẫn đến thiếu máu dinh dưỡng là bệnh phổ biến ở trẻ em.
– Thiếu sắt còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể: ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: trẻ biếng ăn, viêm teo gai lưỡi, khó nuốt, kém hấp thu…
– Thiếu sắt còn làm ảnh hưởng tới hệ thần kinh: mệt mỏi, kích thích, rối loạn dẫn truyền thần kinh.
– Sắt còn tham gia vào tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, nên thiếu sắt bé hay bị ốm đau do hệ thống miễn dịch suy giảm.
Do đó, sắt rất cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng đối với trẻ em bổ sung sắt là vô cùng quan trọng, vì trẻ em là đối tượng dễ bị thiếu sắt nhất. Theo đó, nhu cầu sắt ở trẻ còn bú mẹ tăng gấp 7 lần so với người lớn tính theo trọng lượng cơ thể.
- Nguyên nhân thiếu hụt sắt:
– Trẻ bị thiếu máu do thiếu dự trữ sắt
Trẻ hấp thụ những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của mình ngay từ trong bụng mẹ và còn để dành cho sau này. Đó là lý do vì sao các chuyên gia luôn khuyến cáo mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ các vitamin, khoáng chất khi mang thai.
– Thiếu máu thiếu sắt do không ăn đủ
Nguồn cung cấp sắt chủ yếu cho cơ thể vẫn là từ thực phẩm. Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh, thức ăn chính hằng ngày của bé chỉ là sữa, vì vậy mẹ nên có chế độ dinh dưỡng phù hợp để để cung cấp đủ sắt cho con.
Khi trẻ bước sang tuổi ăn dặm, mẹ nên chuẩn bị những loại thực phẩm đa dạng, đặc biệt là các món giàu sắt để phòng bệnh thiếu máu ở trẻ.
Có những bé sẽ phát triển rất nhanh, có khi còn vượt chuẩn. Chính vì cơ thể phát triển quá nhanh, dung lượng máu cũng tăng theo, làm lượng sắt không đủ để cung cấp cho quá trình tăng trưởng này. Đến năm tháng tuổi, cân nặng của bé đã tăng gần gấp 3 lúc mới sinh. Vì vậy trong giai đoạn con ăn dặm mẹ nên bổ sung kịp thời nguồn dinh dưỡng hợp lý để phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt ở trẻ dưới 2 tuổi.
– Trẻ bị mất lượng chất sắt đáng kể:
Trẻ sơ sinh dễ mắc các bệnh về tiêu hóa và đường ruột, dẫn dến tiêu chảy, kiết lị, táo bón khiến trẻ mất đi một lượng sắt đáng kể. Bệnh kéo dài gây ảnh hưởng đến việc hấp thụ sắt, gây thiếu máu và làm giảm sức đề kháng của của cơ thể
Mất máu nhiều thường do các nguyên nhân chảy máu từ từ, mạn tính như các bệnh ở đường tiêu hoá (giun móc, loét dạ dày tá tràng, polyp ruột, trĩ), chảy máu cam, chảy máu sinh dục tiết niệu. Sắt chứa trong các tế bào máu đỏ, vì vậy nếu mất máu sẽ mất đi một số lượng sắt.
- Nhu cầu khuyến nghị sắt (mg/ngày)
Đối với trẻ em từ 1-3 tuổi nhu cầu khuyến nghị sắt là 7mg/ngày
Nguồn thực phẩm giàu sắt:
Chất sắt có trong rất nhiều thực phẩm khác nhau, tùy theo độ tuổi và khẩu vị mà mẹ có thể cho bé ăn các loại khác nhau. Bố mẹ hãy lưu ý nguồn sắt từ động vật và thực vật rất khác nhau, sắt heme từ thịt động vật, hải sản, gia cầm… giúp bé dễ dàng hấp thụ vào cơ thể. Ngược lại, sắt non-heme các thực phẩm như rau lá màu xanh đậm, đậu, bánh mì, ngũ cốc và trái cây khô khiến cơ thể bé mất nhiều thời gian hấp thu hơn.
Vậy thực phẩm giàu chất sắt gồm có:
a. Ngũ cốc
Nhìn chung, ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều dinh dưỡng hơn so với những ngũ cốc đã qua tinh chế. Tuy nhiên, lượng sắt trong cả hai loại ngũ cốc này không chênh lệnh nhau nhiều lắm.
b. Các loại hạt và đậu
Mẹ nên cho bé ăn những loại hạt và đậu kèm theo những thực phẩm giàu vitamin C để giúp cơ thể hấp thu sắt hiệu quả hơn.
c. Rau quả và trái cây
Rau quả và trái cây đều là nguồn chứa sắt dồi dào. Tuy nhiên, rau quả vẫn chứa nhiều chất này hơn trái cây. Đặc biệt, khoai tây là thực phẩm chứa nguồn sắt nhiều nhất.
d. Thịt và cá
Trong các loại thịt, thịt bò là loại cung cấp nhiều sắt hơn so với các loại thịt khác. Đối với các loại hải sản, ngao, sò, hến là nguồn cung cấp dồi dào nhất.
Các mẹ nên nhớ rằng chất sắt rất cần thiết cho sự phát triển, hãy cung cấp đầy đủ và đúng cách vào khẩu phần ăn của bé. Việc thiếu hay thừa bất kỳ chất nào cũng gây nguy hiểm cho trẻ. Hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi áp dụng chế độ ăn uống bất kỳ nào cho trẻ.