THỰC ĐƠN ĐÚNG CHUẨN CHO TRẺ TIÊU CHẢY

THỰC ĐƠN ĐÚNG CHUẨN CHO TRẺ TIÊU CHẢY

Có phải trẻ tiêu chảy ăn bao nhiêu thì ra bấy nhiêu? Trẻ phải ăn gì mới có thể bổ sung đủ đạm và nước để bổ sung năng lượng cho cơ thể.

Việc cần kíp nhất khi trẻ bị tiêu chảy là phải bù nước

Cấp nước cho trẻ

Tiêu chảy gây nguy hiểm nhất chính là khiến cơ thể mất nước. Các trường hợp tiêu chảy cấp tử vong là do cơ thể mất lượng nước và muối lớn. Vì  vậy việc cấp nước cho trẻ trong lúc này là cực kì quan trọng. Mẹ hãy cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường như Oresol, nước đun sôi để nguội hoặc các dung dịch chế từ thực phẩm như cháo, nước cháo muối, nước gạo rang, nước cơm…

Trẻ dưới 2 tuổi: 50-100ml

Trẻ từ 2-10 tuổi: 100-200ml

Trẻ từ 10 tuổi trở lên và người lớn: uống theo nhu cầu

Tuy nhiên, việc bù nước và điện giải còn phụ thuộc vào lượng nước đã mất.

Oresol là nước bù điện giải cho cơ thể

Ngoài ra, mẹ có thể pha thêm Oresol cho bé uống theo như chỉ dẫn trên sản phẩm.

Một số dung dịch chế phẩm khác:

Nước cháo muối: Đem đun sôi một nắm gạo, một nhúm muối và 6 chén nước sạch. Lấy nước gạo loãng đó đem lọc qua giấy rồi cho trẻ uống dần.

Nước gạo rang muối: Lấy một nắm gạo đem rang vàng, sau đó đem đun sôi lên cùng một ít muối cà 6 chén nước sạch. Lọc dung dịch qua giấy rồi cho trẻ uống dần.

Nước chuối hoặc nước hồng xiêm: Chọn 5 quả chuối hoặc hồng xiêm đem đi nghiền/ép với 1 lít nước sôi để nguội. Hòa tan thêm muỗng cà phê muối vào nước ép và cho trẻ uống.

Soup Cà rốt muối: Nấu nhừ 500g cà rốt sau đó đem xay nhuyễn và trộn chung với một thìa cà phê muối, 8 thìa cà phê đường. Đem hỗn hợp đun sôi lại với nước lọc và cho trẻ dùng dần. Cà rốt và thịt gà được coi là món ăn tốt cho bé đang bị tiêu chảy.

Cung cấp dinh dưỡng

Nhiều người quan niệm rằng khi bị tiêu chảy thì không nên ăn nhiều vì “vào bao nhiêu cũng ra bấy nhiêu”. Nhưng trên thực tế các bác sĩ khuyên rằng không nên hạn chế mà còn cần phải bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ.

Với bé dưới sáu tháng tuổi, tiếp tục cho bé bú sữa mẹ nhiều lần hoặc bú sữa bình, người mẹ cần ăn nhiều đạm như thịt, cá và hạn chế ăn chất xơ như rau xanh.

Còn với bé trên sáu tháng tuổi, cần bổ sung các thực phẩm giàu đạm, bột đường và vitamin như gạo, thịt lợn, thịt gà, cá, trứng, cà rốt, khoai tây… và chế biến thành những thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu.

Thịt gà và cà rốt đặc biệt tốt cho những bé bị tiêu chảy.

Một số loại quả bé bị tiêu chảy có thể ăn như: đu đủ, hồng xiêm, chuối, xoài, táo, lê…

Có một điều các mẹ chăm bé bị tiêu chảy cần đặc biệt chú ý là trong thời gian bé bị tiêu chảy nên giảm các thực phẩm giàu chất xơ; tinh bột nguyên hạt như ngô, đậu; thức ăn có nhiều đường; thức uống có gas vì không những khó tiêu mà còn làm cho bé bệnh nặng thêm.

Cần khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt. Trẻ nhỏ cho ăn 6 lần/ngày hoặc nhiều hơn.

Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp cho trẻ phục hồi nhanh và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong hai tuần liền. Với trẻ bị tiêu chảy kéo dài thì phải cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa và kéo dài tối thiểu một tháng.