Liệu mẹ đã bổ sung vitamin A cho bé yêu đúng cách chưa?

Liệu mẹ đã bổ sung vitamin A cho bé yêu đúng cách chưa?

Vitamin A có vai trò đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển thể chất, thị giác kháng thể. Khi thiếu vitamin A, trẻ có nguy cơ chậm lớn, còi cọc… vì thế, bsung đầy đủ lượng vitamin A vào cơ thể cho trẻ là vô cùng cần thiết.

Vitamin A là chất tan trong dầu mỡ, muốn tiêu hoá và hấp thu vitamin A cần có sự tham gia của chất khoáng và chất béo (lipit). Vì thế khi bổ sung vitamin A cho trẻ, mẹ cần lưu ý bổ sung thêm cả các chất trên để bé phát triển khỏe mạnh.

Lợi ích của Vitamin A

– Tăng trưởng: vitamin A giúp trẻ phát triển tốt,tránh tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, chậm lớn

– Thị giác: Vitamin A có vai trò duy trì thị giác bình thường khi ánh sáng giảm. Biểu hiện sớm ở trẻ khi thiếu Vitamin A là giảm khả năng nhìn thấy lúc ánh sáng yếu.

– Bảo vệ biểu mô: Vitamin A bảo vệ sự vẹn toàn của các biểu mô: giác mạc mắt, ở da, niêm mạc khí quản, niêm mạc của ruột non, các tuyến bài tiết và tinh hoàn.

– Tăng hệ miễn dịch: Vitamin A tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng ở trẻ. Trẻ dễ bị nhiễm trùng nặng đặc biệt là các bệnh: sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp, viêm tai dẫn tới tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ.

Beta-carotene là tiền thân chủ yếu của vitamin A (cơ thể có thể chuyển beta carotene thành vitamin A), thường có trong các loại trái cây và rau quả có màu cam như cà rốt, bí ngô, đào, khoai lang đỏ,… Nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ vai trò và ích lợi của beta carotene trên hệ miễn dịch, ngăn ngừa nhiều loại ung thư và giảm tác hại của ánh nắng mặt trời.

Theo số liệu khảo sát của Viện Dinh dưỡng năm 2013 công bố, có đến 50% trẻ em Việt Nam thiếu các vi chất dinh dưỡng, trong đó 14,2% thiếu vitamin A

Khi trẻ ăn uống, nguồn vitamin A sẽ được dự trữ trong gan để đáp ứng cho nhu cầu phát triển cơ thể. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới trẻ thiếu hụt Vitamin A và cần bổ sung thêm.

Nguyên nhân thiếu hụt Vitamin A

– Do ăn uống: Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải lấy từ thức ăn, do vậy nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A là do chế độ ăn nghèo vitamin A và chất Caroten (tiền vitamin A) của trẻ. Nếu bữa ăn đủ vitamin A nhưng lại thiếu đạm và dầu mỡ cũng làm giảm khả năng hấp thu và chuyển hóa vitamin A. Ở trẻ đang bú thì nguồn vitamin A là sữa mẹ, nếu trong thời kỳ này mẹ ăn thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ. 

Trẻ bị nhiễm trùng đặc biệt là lên sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy và cả nhiễm giun đũa cũng gây thiếu hụt vitamin A.

Trẻ bị suy dinh dưỡng thường kéo theo thiếu vitamin A vì cơ thể thiếu đạm để tham gia việc chuyển hoá vitamin A. Nhiễm trùng và suy dinh dưỡng làm cơ thể trẻ hạn chế hấp thu, chuyển hoá vitamin A đồng thời làm tăng nhu cầu sử dụng vitamin A.

Ngược lại thiếu vitamin A sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và suy dinh dưỡng. Như vậy sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn làm bệnh thêm trầm trọng dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

 

Trẻ dưới 5 tuổi rất dễ bị thiếu vitamin A do trẻ đang lớn nhanh cần nhiều vitamin A, tuy nhiên ở tuổi này trẻ thường biếng ăn hoặc kén ăn

Mỗi ngày trẻ cần bao nhiêu đơn vị Vitamin A?

Theo khuyến nghị của Viện Dinh Dưỡng, nhu cầu vitamin A đối với trẻ em là 375-500mcg/ngày

Nguồn thực phẩm  giàu Vitamin A

Vitamin A có nguồn gốc từ hai loại thức ăn, đó là thức ăn có nguồn gốc động vật và thức ăn có nguồn gốc thực vật.

Thức ăn có nguồn gốc động vật: thức ăn có nguồn gốc động vật có nhiều vitamin A hay retinol tốt nhất, hầu hết ở dạng retinil ester. Vì gan là nơi dự trữ vitamin A, nên gan có thành phần retinol cao nhất. Chất béo từ thịt và trứng cũng chứa một lượng vitamin A đáng kể.

Vitamin A có trong các loại củ quả có màu vàng/đỏ, các loại rau màu xanh sẫm

Thức ăn nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A (beta-caroten) như: các loại củ quả có màu vàng/đỏ, các loại rau màu xanh sẫm. Theo các nghiên cứu gần đây, khi vào cơ thể, tiền vitamin A sẽ được chuyển thành vitamin A (theo tỉ lệ 12:1 đối với hoa quả chín và 22-24: 1 đối với rau xanh). Các loại rau xanh và hoa quả có nhiều beta-caroten có thể kể tới như: rau ngót, rau dền đỏ, rau dền cơm, rau muống, gấc, cà rốt,…

Giải pháp cải thiện tình trạng trẻ thiếu vitamin A một cách bền vững chính là mẹ nên sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin A vào các bữa ăn. Đa dạng và thay đổi thực phẩm thường xuyên trong khẩu phần ăn hàng ngày và luôn đảm bảo chế độ ăn của con không thiếu dầu mỡ.